Doanh nghiệp (DN) lơ là thực hiện an toàn lao động (ATLĐ), người lao động lại chủ quan là những nguyên nhân khiến tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) liên tục xảy ra. Theo thống kê của Sở LĐTBXH TP.HCM trong 3 tháng đầu năm nay trên địa bàn có trên 100 vụ TNLĐ.
Anh Lê Viết Hưng (ngụ P.12, Q.Bình Thạnh) là một trong nhiều nạn nhân đang gánh chịu hậu quả nặng nề của TNLĐ. Từng là lao động chính trong gia đình, con đường sự nghiệp đang thăng tiến thì tai họa ập đến. Cuối năm 2006, khi đang thực hiện công tác tổ chức tổng kết cho công nhân viên công ty, do không cẩn thận anh bị ngã và được chuẩn đoán chấn thương sọ não.
Với tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 81% anh Hưng mất trí nhớ, cơ thể bị liệt hoàn toàn. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải dựa vào những người thân. Do không đủ kinh phí chạy chữa cho anh nên cô con gái đầu đã phải nghỉ học đi làm để có tiền cứu chữa cho ba. Do phải cật lực làm việc để có tiền chăm lo cho chồng và con gái út vào đại học, đầu năm nay vợ anh Hưng cũng đã phải nhập viện để điều trị bệnh.
Trường hợp của anh Thành Ngọc Anh, công nhân công ty Cơ khí Cao Su (Q.12), TNLĐ không có di chứng nặng nề như anh Hưng nhưng cũng để lại thương tật vĩnh viễn trên 61%. Anh Thành kể: Cách đây 5 năm trong lúc sửa chữa máy ở độ cao 7m anh đã bị cần cẩu rơi trúng. Các bác sĩ xác định anh bị đa chấn thương, cưa bỏ 4 ngón tay, chân bị gãy phải phẩu thuật phục hồi chức năng. Hiện anh không còn khả năng để làm việc, mọi gánh nặng đều đổ lên vai người vợ.
Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết năm 2011 trên địa bàn xảy ra 1.056 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 82 người và 998 trường hợp bị thương. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở LĐTBXH TP.HCM, cho biết: “Qua thanh tra các vụ TNLĐ, trên 80% DN không kiểm tra điều kiện lao động của đơn vị. Các vụ tai nạn dẫn đến chết có những nguyên nhân hết sức đơn giản như: công nhân sửa điện nhưng không cắt nguồn, làm việc trên cao không có bảo hiểm, nhiều công nhân, lao động thời vụ do thiếu đào tạo cơ bản, thiếu ý thức nên đã không thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình làm việc an toàn.
Cũng theo báo cáo của thanh tra sở LĐTBXH, nhiều DN cho rằng đã đào tạo ATLĐ cho công nhân từ khâu tuyển dụng nên trong thời gian làm việc không còn chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức bảo vệ bản thân. Vì vậy càng khiến người lao động chủ quan hơn đối với tính mạng của mình.
iBác sĩ Đỗ Trọng Ánh, chuyên khoa II, Giám đốc bệnh viện phục hồi và chỉnh hình chức năng TP.HCM. cho biết: “Các vụ TNLĐ thường được đưa đến bệnh viện trong tình trạng chấn thương nặng, để lại thương tật rất lớn. Trong đó đa phần là người lao động không được làm việc trong môi trường đảm bảo điều kiện an toàn. Ngay cả những kiến thức cơ bản để sơ cứu sau khi tai nạn xảy ra họ cũng không có nên để lại hậu quả càng nghiêm trọng hơn”. “Cần phải có những chế tài xử phạt mạnh, đủ sức răn đe các doanh nghệp lơ là với việc đảm bảo ATLĐ. Hiện nay mức xử phạt hành chính đối với hành vi này còn quá thấp, cao nhất là 20 triệu đồng. Chúng tôi nhiều lần đi kiểm tra và đã xử phạt nhưng DN vẫn để tái diễn các vi phạm”.
Thống kê Bộ LĐTBXH, năm 2011 cả nước xảy ra 5.896 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 574 người chết, 1.134 người bị thương nặng. Chi phí do TNLĐ là 298 tỉ đồng, thiệt hại về tài sản là 5,85 tỉ đồng. Trong đó 30,7% nguyên nhân gây TNLĐ là do phía người sử dụng lao động và 27,4% do lao động. |
Thùy Trang
|