Lời nói đầu
Hóa chất ngày càng được sản xuất và sử dụng nhiều hơn. Nếu như 50 năm trước đây, hàng năm người ta chỉ sản xuất ra 1 triệu tấn hóa chất thì ngày nay con số đó là trên 400 triệu tấn. Cứ mỗi năm lại có hơn 1000 hóa chất mới được sản xuất ra và hiện có hơn 80.000 chất đang hiện hành trên thị trường. ở Việt Nam, lượng hóa chất sử dụng hàng năm lên tới hơn 9 triệu tấn; trong đó, hơn 3 triệu tấn phân bón và 4 triệu tấn sản phẩm dầu lửa.
Hóa chất đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, bảo vệ và nâng cao năng suất cây trồng, chữa bệnh, tạo ra vật liệu mới có nhiều tính chất mà vật liệu tự nhiên không có. Nhưng hóa chất cũng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu như không biết cách sử dụng; trong đó, có nhiều tai nạn lao động lớn và nhiều loại bệnh nghề nghiệp hiểm nghèo như bệnh ung thư gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi, gây biến đổi gen,… Hóa chất cũng có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và phá hủy môi trường sinh thái. ..
Vì vậy, vấn đề đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe của người lao động và bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng nguy hại trong việc sử dụng hóa chất ngày càng được sự quan tâm rộng rãi trên thế giới cũng như ở nước ta.
Đã có nhiều văn bản về an toàn sức khỏe có liên quan đến an toàn hóa chất được ban hành như Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO số 170 về An toàn trong sử dụng hóa chất tại nơi làm việc (năm 1990); Quy phạm An toàn trong sản xuất, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm TCVN -5507 (năm 1991) …
Để giảm tới mức thấp nhất các ảnh hưởng độc hại của hóa chất, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp do việc tiếp xúc với hóa chất gây ra, việc huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về an toàn trong sử dụng hóa chất tại nơi làm việc là biện pháp cần thiết và bắt buộc được pháp luật quy định. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), biên soạn tài liệu này nhằm phục vụ cho công tác huấn luyện của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp được tốt hơn.
Tài liệu được biên soạn phù hợp với các Công ước quốc tế và các tiêu chuẩn, quy phạm của Việt Nam về an toàn hóa chất và đã được sự đóng góp ý kiến về bố cục, nội dung của các Bộ, Ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Do hạn chế về kinh nghiệm chắc chắn tài liệu còn có những thiếu sót, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung cho tài liệu.
Nội dung tài liệu